Xây dựng mô hình sử dụng hệ thống máy tách phân tại Bến Tre
Ông Nguyễn Thanh Phúc khẩn trương chuẩn bị mặt bằng để Dự án LCASP lắp đặt hệ thống máy tách phân.
Điều kiện tham gia
Theo đó, tiêu chí của Dự án LCASP phải có đủ các điều kiện: trang trại có vấn đề về môi trường trong chăn nuôi cần xử lý, trang trại có nuôi ít nhất 1.000 con heo, tự nguyện tham gia mô hình và có nguồn nhân lực đủ khả năng tiếp nhận công nghệ, có sẵn cơ sở hạ tầng (hệ thống thu gom chất thải, bể chứa chất thải lỏng, mặt bằng để lắp đặt các thiết bị và chứa chất thải rắn sau khi tách và vị trí thuận tiện cho tham quan, đào tạo, tập huấn), không vướng mắc về tài chính, tài sản (nợ xấu ngân hàng, tranh chấp đất đai) không vi phạm pháp luật và không đang trong quá trình thi hành các bản án của tòa án.
Với bộ tiêu chí này, dự kiến trong tháng 10-2017, dự án sẽ tiến hành lắp đặt các thiết bị cho 4 chủ trang trại hội đủ các điều kiện tham gia mô hình, gồm: ông Nguyễn Văn Bé Chín ở xã Cẩm Sơn; ông Hồ Văn Truyền ở xã Thành Thới B; ông Nguyễn Văn Hiệp ở xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam và ông Nguyễn Thanh Phúc ở xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc. Các trang trại tham gia mô hình được Dự án LCASP hỗ trợ cho mượn hệ thống thiết bị máy tách phân trong khoảng thời gian 18 tháng. Hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi tại trang trại bao gồm các thiết bị: máy ép tách phân, bộ máy bơm hút, bộ máy khuấy, phun rửa, bộ đổi nguồn từ dòng điện 1 pha lên 3 pha...
Ông Nguyễn Thanh Phúc ở xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, một trong 4 chủ trang trại được chọn trong dịp này phấn khởi: “Hiện tôi đang sử dụng 3 hầm khí sinh học KT2, tổng thể tích khoảng 75m3. Sau khi được tham gia mô hình hệ thống máy tách phân, khi phân heo đầy hầm lắng chỉ cần bật máy vận hành, cốt trộn (khuấy) sẽ tự đảo đều phân và được hút lên máy ép. Và rất nhanh chóng, máy sẽ cho ra phân khô và phần chất thải lỏng sẽ cho trở lại vào hầm biogas để sản xuất khí gas, khả năng giải quyết rất tốt vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi heo; đồng thời còn có lượng phân hữu cơ cung cấp cho bà con xung quanh bón cây trồng”.
Người chăn nuôi đồng thuận
Theo BQL Dự án LCASP, với lượng chất thải ra từ trang trại chăn nuôi heo quy mô 1.000 con, chỉ cần 4 - 5 ngày sẽ vận hành máy ép một lần. Độ ẩm của phân rắn sau khi ép tùy theo sự vận hành máy có thể sử dụng ngay để bón trực tiếp cho cây trồng hoặc nếu chủ vườn thận trọng hơn thì chỉ việc ủ cùng với nấm vi sinh khoảng vài ngày là bón được (kỹ thuật ủ men vi sinh thông thường mất khoảng 3 tháng mới lên men bón được).
Về khâu xử lý tài sản của dự án (hệ thống máy tách phân) sau khi kết thúc mô hình (thời gian thực hiện mô hình 18 tháng), sẽ áp dụng quy trình xử lý tài sản theo quy định của Nhà nước. Cụ thể, Dự án LCASP sẽ bàn giao cho UBND tỉnh, sau khi cơ quan chuyên môn giám định tỷ lệ hao mòn các thiết bị sẽ xác định giá trị thực còn lại của hệ thống máy để bán đấu giá công khai. Trường hợp chủ trang trại tham gia mô hình đang trực tiếp quản lý sử dụng thiết bị có nhu cầu sẽ được tỉnh xem xét ưu tiên mua theo giá quy định.
Cũng theo BQL Dự án LCASP, thực hiện kế hoạch năm 2017, đến thời điểm này đã xây dựng/lắp đặt được hơn 650 công trình hầm biogas và được người chăn nuôi đồng thuận, phấn khởi tham gia. Năm 2018, sẽ tiếp tục triển khai dự án, trong đó, tiếp tục lựa chọn thêm đối tác phù hợp để tham gia xây dựng mô hình hệ thống máy ép tách phân này, nhằm giúp bà con tiếp cận quy trình tối ưu trong xử lý chất thải chăn nuôi heo quy mô trang trại.