Vận hành máy tách ép phân trong xử lý chất thải chăn nuôi heo (lợn)
Vận hành máy ép tách phân heo ( lợn)
A. Quy trình:
Công nghệ máy tách phân dạng trục vít được sử dụng rộng rãi trên thế giới, hiện nay các tỉnh thành trong cả nước cũng đã và đang phát triển sử dụng công nghệ tách ép phân để xử lý nguồn nước thải của chăn nuôi.
Mục tiêu: Tách riêng phần rắn và lỏng có trong dung dịch phân để góp phần chống ô nhiễm nguồn nước thải chăn nuôi heo ( lợn), ngoài ra tận dụng nguồn bã phân làm phân bón hữu cơ.
Để sử dụng công nghệ máy tách ép phân trong xử lý chất thải chăn nuôi cần thực hiện theo quy trình để đạt hiệu quả:
- Phân từ chuồng trại sẽ được gom vào bể lắng phía trước biogas, phía trên có ống tràn chảy ra biogas, chỉ giữ lại phần bã để đặt bơm hút lên tách ép.
- Cần làm hố ga trước bể lắng để chống rác như bao bì, dây nhợ, sắt thép, cát đá… rơi vào bể lắng
- Bể lắng là bể xây kiên cố ( đổ bê tông) bao gồm cả đáy để bùn đất, cát đá không bị rơi vào bể làm giảm hiệu quả tách ép phân và hư hỏng máy.
- Bể lắng cần xây với thể tích phù hợp để độ đậm đặc trong dung dịch chất thải >3%.
- Xây dựng nhà đặt máy ( mái che) để đặt máy và lượng phân khô sau khi tách ép.
B. Vận hành máy tách ép phân
Trong lần vận hành đầu tiên, nâng cần treo tạ, sau đó sử dụng các vật liệu khô như: mùn cưa, rơm rạ, giấy bìa các tông bịt kín phần cửa của máy. Sau đó hạ cần treo tạ xuống.
Gắn những quả tạ vào cần treo, có thể điều chỉnh tạ lên xuống để điều chỉnh độ khô cho sản phẩm đầu ra của máy ép.
Khuấy đều hỗn hợp trong bể chứa, tỷ lệ rắn trung bình cần đạt từ 3% trở lên.
Khởi động hệ thống bơm, kiểm tra xem nước có hồi về qua đường ống hồi lưu hay không. Nếu bơm vận hành ổn định thì khởi động máy ép.
Kiểm Tra
1. Tỷ lệ chất rắn trong dung dịch ép không được quá thấp. Nếu tỷ lệ chất rắn thấp, máy không thể hoạt động được. Phụ thuộc vào từng loại nguyên liệu, máy có thể hoạt động với tỷ lệ chất rắn trên 3%. Nguyên liệu càng tươi càng dễ vận hành và hiệu quả hơn các nguyên liệu để lâu vài tuần đến 1-2 tháng.
2. Đảm bào nguyên liệu ép không chứa các tạp chất như sỏi, đá, sắt, rác thô…
3. Kiểm tra rác tại miệng hút bơm, lồng chắn rác.
4. Kiểm tra rác tại cánh máy khuấy.
5. Đảm bảo nguyên liệu ép chứa ít cát ( tỷ lệ cát không quá 4%)
6. Khuấy trộn bể chứa trước khi bơm vào máy ép.
7. Kiểm tra trong khi vận hành
- Cần bơm liên tục trong quá trình vận hành máy.
- Kiểm tra ống hồi, máy ép hoạt động tốt khi ống hồi bơm ngược lại vào bể chứa khoảng 1/3 hoặc ½ ống.
- Kiểm tra bơm định kỳ vài ngày một lần tránh dính rác.
8. Ống hồi lưu cần thong thoáng, tuyệt đối không cắm ống hồi lưu trở lại xuống nước vì sẽ làm tăng áp suất trong buồng ép gây hư hại phớt, lưới
9. Ống cấp liệu nằm bên dưới máy, vị trí thứ 1 từ trên xuống. Ống xả nằm bên dưới thân máy, vị trí thứ 2 từ trên xuống. Ống hồi nằm bên hông máy, cao ~1,7m.
Chú ý: Để tắt hệ thống thì cần tắt bơm trước sau đó đến máy ép. Nếu không vận hành thường xuyên thì sau khi vận hành cần làm sạch ống và kéo bơm lên khỏi mặt nước nhằm tránh phân đóng cục gây tắc nghẽn đường ống.